Nóng trong tuần: “Choáng” với giá đất nông thôn?
Nhà đầu tư ra về tay trắng vì hiện tượng “ngáo giá” đất nông thôn; Ngạt thở vì Covid, bất động sản cần gấp “oxy tín dụng”; Người vay mua nhà ngóng giảm lãi suất; Chán cảnh đấu trí lừa lọc, môi giới nhà đất bỏ về quê làm công nhân; .. là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Nhà đầu tư ra về tay trắng vì hiện tượng “ngáo giá” đất nông thôn
Trong mấy năm gần đây, nhiều vùng nông thôn được triển khai nâng cấp, xây dựng hạ tầng mạnh mẽ. Theo đó, giá đất tại vùng quê cũng tăng đáng kể, tạo ra lợi thế cho các chủ đất rao bán với mức giá cao chót vót. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư phải “quay xe” vì cho rằng, giá đất quá cao chưa phù hợp với hạ tầng.
Từ khi dịch bệnh bùng phát đã trải qua 4 đợt dịch liên tiếp lan ra khắp các tỉnh thành. Do đó, nhiều nhà giàu tại Hà Nội đổ xô đi săn đất rộng, ở những địa điểm có lợi thế từ thiên nhiên làm nơi trú ẩn an toàn trong những ngày dịch theo phong trào “bỏ phố về quê”.
‘Nghẽn’ tiến độ ‘siêu’ dự án sân bay Long Thành
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án sân bay Long Thành hiện mới đạt khoảng 50,7% kế hoạch, với diện tích đất đã thu hồi được 1.284,57 ha (gồm 1.810 ha giai đoạn 1 và phần đất dự trữ), còn lại trên 1.247,453/2.532 ha dự kiến bàn giao trong năm 2021. Thực tế này đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Về lũy kế giải ngân cho GPMB của dự án từ năm 2018 đến nay chỉ đạt 10.660/22.850 tỷ đồng (tương đương 46,65%) kế hoạch. Mặc dù, Bộ GTVT đã thường xuyên, định kỳ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai quyết liệt giao ban, kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chậm so với tiến độ được phê duyệt.
Cải tạo, xây mới chung cư cũ: Sẽ không còn bồi thường ‘vượt khung’
Việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ của Hà Nội sẽ được gắn vào mục tiêu chỉnh trang đô thị toàn thành phố. Với những quy định mới, thành phố có thể áp mức đền bù theo đúng quy định, việc đền bù “vượt khung” như từng diễn ra tại một số khu chung cư trước đây sẽ không còn nữa.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Nghị định 69 của Chính phủ sẽ giúp tháo gỡ gần như các vấn đề vướng mắc trong cải tạo chung cư từ trước đến nay. Lãnh đạo thành phố cho biết, lần này hoạt động cải tạo chung cư cũ của thành phố không phải là cải tạo chung cư đơn lẻ mà là công cuộc tái thiết, chỉnh trang đô thị toàn thành phố. Không chỉ những chung cư cũ, mà cả những nhà hết niên hạn, nhà hư hỏng, không đủ tiêu chuẩn… cũng được đưa vào danh sách đánh giá, cải tạo.
Chán cảnh đấu trí lừa lọc, môi giới nhà đất bỏ về quê làm công nhân
Làm nghề môi giới nhà đất lâu năm, anh Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nghề nào cũng có mặt trái và thừa nhận chuyện môi giới nhà đất làm ăn gian dối không phải là hiếm gặp. Đội “cò” đất tồn tại dưới nhiều hình thức và có nhiều chiêu trò, mánh khóe để kiếm ăn.
Ngoài chiêu đẩy giá ăn chênh khá phổ biến, theo anh Hoàng, đáng sợ nhất là không ít môi giới tìm cách lừa bán cho khách hàng những sản phẩm lỗi gây thiệt hại lớn về kinh tế cho khách hàng như lừa bán các căn nhà nằm trong quy hoạch, vùng ngập hay nhà có vấn đề.
Người vay mua nhà ngóng giảm lãi suất
Nhiều người vay tiền mua nhà trả góp đang sốt ruột chờ ngân hàng giảm lãi suất khi thu nhập bị sụt giảm mạnh trong dịch Covid-19, thậm chí nguy cơ mất khả năng thanh toán
Công bố gần nhất của NH Nhà nước cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ đối các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thông thường đang được NH thương mại áp dụng phổ biến ở mức 7,5% – 8,16%/năm đối với ngắn hạn và 9,67 – 10,35%/năm đối với trung, dài hạn. Đại diện NH thương mại nơi chị Phan vay vốn giải thích mức lãi suất 12%/năm theo thỏa thuận giữa NH và khách hàng là phù hợp với quy định sau khi hết giai đoạn ưu đãi. Hiện khoản vay của chị đủ điều kiện về số dư nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ. NH đã hướng dẫn chị làm đơn yêu cầu và sẽ thực hiện cơ cấu nợ theo đúng hướng dẫn của NH Nhà nước và quy định của NH.
Ngạt thở vì Covid, bất động sản cần gấp “oxy tín dụng”
Qua bốn đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức. Thiếu dòng tiền, nhiều chủ đầu tư giống như cơ thể bị “thiếu oxy”, đang đứng trước nguy cơ “ngạt thở”…
Ngay cả không có doanh thu thì doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho nhân viên, thanh toán tiền điện, tiền nước, hợp đồng thi công rồi chi phí đảm bảo vận hành các khu đô thị đã có người dân vào ở (theo mô hình ba tại chỗ)… Các doanh nghiệp phải tính toán đến dòng tiền xuyên suốt không chỉ ngắn hạn mà phải có giải pháp dự phòng cho thời hạn xa hơn để có thể tái khởi động khi dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện không thể xoay đủ nguồn vốn để duy trì hoạt động thông thường, đặc biệt là các doanh nghiệp đang sử dụng vốn vay.
Gần 10.000 tỷ đồng làm cao tốc nối Tiền Giang – Đồng Tháp
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh.
Cụ thể, dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh có tổng chiều dài 33,8 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang là 8,4 km và tỉnh Đồng Tháp là 25,4 km. Dự án có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung, kết nối với đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); điểm cuối kết nối với đường tỉnh 856 (Tp. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).