Xu hướng đầu tư bất động sản 2021
Bắt mạch dòng tiền vào bất động sản 2021; “Tháo nút” nguồn cung mới, giá nhà sẽ giảm; Nhà đất quận 9 có sức hút lớn đối với nhà đầu tư; Cẩn trọng trước tình trạng đất nền “nhảy giá”; TP HCM tái khởi động nhiều dự án giao thông… là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Bắt mạch dòng tiền vào bất động sản 2021
Trong năm 2021, sự dịch chuyển thị trường của các chủ đầu tư tiếp tục xuất hiện. Trong đó, có xu hướng các chủ đầu tư tại TP.HCM sẽ di chuyển ra săn tìm quỹ đất tại Hà Nội và ngược lại các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng nam tiến thực hiện các dự án ở TP.HCM Bên cạnh đó, xu hướng phát triển các dự án ở những thị trường vùng ven, thị trường ven biển vẫn tiếp tục phát triển Do đó, năm 2021 thị trường sẽ có những yếu tố tích cực hơn rất nhiều, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như TP.HCM hay Hà Nội.
Tuy nhiên, sự phục hồi này sẽ chưa thể có bước đột phá mạnh bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn ở TP.HCM là việc chậm tiến độ của các dự án do vướng thủ tục pháp lý sẽ chưa được giải quyết triệt để khi chuyển sang năm 2021. Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Có những tin vui là VIệt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt nên người dân tích cực trong việc đầu tư bất động sản. Nhưng cơ bản dịch bệnh vẫn còn, vắc xin mới xuất hiện và cần thời gian để kiểm chứng.
Chờ “giải thoát” ở siêu dự án treo
Hàng trăm dự án được chấp thuận đầu tư nhưng suốt nhiều năm không khởi động tại TP.HCM vừa chính thức bị hủy bỏ giúp người dân ổn định cuộc sống. Nhưng vẫn còn hàng ngàn hộ dân đang sinh sống trong các “siêu” dự án treo khác đang mòn mỏi chờ ngày được giải thoát.
Việc TP.HCM mạnh tay xử lý hàng trăm dự án treo mang đến niềm vui rất lớn cho hàng ngàn hộ dân đang sinh sống trong phạm vi của các dự án này. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn không ít dự án rùa bò, thậm chí siêu dự án hàng chục năm vẫn còn nằm trên giấy. Điển hình nhất là dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa đã quy hoạch gần 30 năm nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
“Tháo nút” nguồn cung mới, giá nhà sẽ giảm?
Người mua nhà giai đoạn này đối mặt với khó khăn “kép” khi số lượng dự án khan hiếm và giá bán được đẩy lên rất cao so với trước đó. Thậm chí những khu vực quận, huyện vốn thuộc vùng ven TP.HCM nay cũng đã có mức giá bán cận kề, thậm chí vượt mặt luôn cả khu vực trung tâm.
Đơn cử, tại quận 12 dự án Picity High Park do Công ty TNHH MTV Đầu Tư Phát Triển Gia Cư làm chủ đầu tư với quy mô gần 2.500 căn hộ đang được chào bán với mức giá trên dưới 40 triệu đồng/m2. Đây là mức giá bán căn hộ “khó tin” nếu so sánh với mức cách đây 2 năm khu vực này chỉ tầm 20 – 25 triệu đồng/m2. Giá tăng gấp đôi nhưng không có sự thay đổi đáng kể nào về cơ sở hạ tầng, tiện ích khu vực.
TP HCM tái khởi động nhiều dự án giao thông
Trong số các dự án giao thông chậm tiến độ được TP HCM lên kế hoạch giải cứu phải kể đến dự án xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Tăng Long, cầu Nam Lý (quận 9), đường Lương Định Của, Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Tỉnh lộ 9 (huyện Hóc Môn).
Có mặt tại công trường xây dựng cầu Long Kiểng bắc qua sông Phước Kiển nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè), chúng tôi không thấy bóng dáng công nhân thi công. Tại công trường, vật tư nằm ngổn ngang, nhà điều hành công trình khóa cửa, nằm chơ vơ giữa bãi cỏ. Song song cây cầu cũ, 7 trụ cầu bê-tông của cây cầu mới nằm phơi sương phơi nắng. Việc đi lại của người dân tại 2 xã kể trên đều thông qua cây cầu sắt cũ, nhỏ hẹp và đang xuống cấp trầm trọng.
Cẩn trọng trước tình trạng đất nền “nhảy giá”
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM ghi nhận sự dịch chuyển ra các khu vực vùng ven do quỹ đất trung tâm ngày càng đắt đỏ và khan hiếm.
Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản cuối năm 2020 tiếp tục ghi nhận dòng tiền hướng tới đất nền có giấy tờ hợp pháp và địa điểm thuận tiện. Nhận định về cơn sốt dịch chuyển đầu tư đất nền từ khu vực nội thành sang các khu vực vùng ven, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính Savills Hà Nội, cho biết quỹ đất khu vực nội thành đang dần hạn hẹp và thủ tục pháp lý đầu tư còn phức tạp làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Nghe kể mà ham chuyện hốt bạc tỉ nhờ “ôm đất” ở Long Thành
Những ngày cuối năm 2020, trên nhiều tuyến đường thuộc các xã nằm gần kề khu vực xây dựng dự án sân bay quốc tế Long Thành như Long An, Bình Sơn, Bàu Cạn… dễ dàng bắt gặp nhiều nhóm môi giới túc trực,sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu về tìmmua đất.
Bên trong nhiều quán cafe một số vị khách cũng đang say sưa bàn tán những chủ đề liên quan đến đất đai và tiến độ xây dựng sân bay Long Thành.
Hoàng, một môi giới cho biết, khu vực gần sân bay Long Thành bây giờ tuy không còn nhộn nhịp với những giao dịch chớp nhoáng như thời điểm sân bay mới được phê duyệt. Nhưng vào dịp cuối tuần vẫn có rất đông nhà đầu tư từ TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…đổ về tìm mua đất.
Nhà đất quận 9 có sức hút lớn đối với nhà đầu tư
Là một trong ba quận thuộc Thành phố Thủ Đức, sở hữu ưu thế về vị trí, hạ tầng được chú trọng đầu tư, quận 9 đang là tâm điểm được các nhà đầu tư quan tâm và có tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Theo nhiều nhà môi giới, nhu cầu tìm kiếm nhà riêng và các dự án chung cư đã và đang triển khai tại thị trường nhà đất quận 9 có tăng nhưng giao dịch thực chưa có biến động rõ rệt. Hiện các nhà đầu tư chủ yếu tìm kiếm thăm dò thị trường chứ chưa xuống tiền.
Một số dự án quận 9 được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như dự án Africa trên đường D7, phường Phú Hữu có giá từ 34 triệu đồng/m2; dự án Metro Star trên Xa lộ Hà Nội, phường Phước Long B có giá từ từ 38 – 41 triệu đồng/m2;